Quán cơm tấm đắt nhất, bánh Huế có nước chấm lạ nhất hay quán phở có nước dùng trong nhất là những địa chỉ ẩm thực bạn không nên bỏ qua khi tới Sài Gòn.
- 5 quán ăn phố cổ Hà Nội "không nhanh chân là hết"
- Những món "Tây, Tàu" siêu phổ biến của ẩm thực Việt
- 10 món ăn đặc sản không nên bỏ qua khi du lịch Tây Bắc
Quán cơm tấm bình dân siêu mắc
Với mức giá 80.000 đồng/đĩa, quán Cơm 167 ở quận là một trong những quán cơm tấm bình dân có mức giá cao nhất Sài Gòn. Tuy đắt như thế nhưng quán chưa bao giờ vắng khách. Nguyên nhân của điều này đến từ kích thước và vị ngon của miếng sườn nướng - thành phần không thể thiếu của món cơm tấm tại đây.
Sườn nướng tại quán không chỉ là phần cốt-lết ngon nhất, được tẩm ướp với gia vị theo bí quyết riêng mà được nướng khéo léo nên chín mềm, đậm vị khó cưỡng. Ngoài điểm nhấn hương vị, kích thước của miếng sườn chiếm 2/3 bề mặt đĩa - "không biết mình gọi cơm hay gọi sườn" hay “chỉ miếng sườn đã đủ no” khiến thực khách hài lòng với mức giá "đắt xắt ra miếng" này.
Quán bò né trong hẻm siêu mắc
Nằm trong một con hẻm của một quận thuộc diện vùng ven (Q. Phú Nhuận) cùng mức giá đắt nhất nhì Sài Gòn, song bò né Lệ Hồng chưa bao giờ vắng khách. Nhiều người thường nghĩ món ăn tại đây kéo thực khách với hình ảnh chảo bò mang ra đến bàn, dầu vẫn văng xèo xèo, khách phải chờ một lúc mới ăn được. Song với người sành ăn, những miếng bò né được ướp đậm đà, thơm mềm, khoai tây chiên giòn, chả cá khủng mới là điểm quyết định.
Bún bò nấu bằng kiểu nồi xưa nhất
Nước dùng của món ăn tại đây nấu đúng nguyên bản - không giảm lượng mắm ruốc, tăng lượng sả; các nguyên liệu đi kèm phong phú như chả lụa, chả cua, giò heo, bắp bò, huyết, bò tái, chả bò... Quán bún bò Út Hương ở quận 3 còn khiến người sành ăn cảm thấy đã miệng hơn với chiếc nồi nhôm đáy tròn, cổ eo, miệng loe nhưng thân phình to. Đây là kiểu nồi có từ thập niên 60, thay thế cho nồi đất. Với những người sành ăn, bún bò Huế nấu từ loại nồi này luôn có hương, vị ngon hơn hẳn các loại nồi khác.
Ngoài bún bò, vào cuối tuần, quán cũng phục vụ thêm món cơm hến và bún hến. Vì dùng hến, rau của Sài Gòn, hai món ăn này không được đánh giá ngon như nguyên bản, song cũng đạt thang điểm 7/10.
Quán bánh Huế có món nước chấm lạ nhất
Với thâm niên 15 năm cùng cách chế biến, nêm nếm giữ đúng vị Huế, quán Huế - Ngọc Trâm trên đường Sư Vạn Hạnh là điểm đến quen thuộc của người Sài Gòn. Quán chuyên kinh doanh những món bánh của người Huế như bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc… trong đó, nổi bật nhất là bánh ram ít với độ dẻo vừa, nhân tôm tươi ngọt cùng độ giòn, xốp nhất định.
Ngoài vị quán của bột, sự khéo tay của người làm, các món bánh tại đây còn mê hoặc thực khách bởi món nước chấm gần như không đụng hàng với các quán chuyên bán món Huế khác - nước mắm làm từ tôm. Đây là loại nước mắm chuyên trị các loại bánh tại vùng đất cố đô. Nước mắm này vốn đã ngon nên chỉ cần kết hợp với ít đường, ít ớt xanh là đủ. Song để nó hoàn toàn mê hoặc thực khách, quán đã nấu ít dùng từ vỏ tôm để tăng vị ngọt, hương thơm.
Quán phở có nước dùng trong nhất
Danh hiệu này thuộc về quán phở Thái Sơn nằm trên đường Lê Lai với tuổi thọ 30 năm lẻ. Hương vị phở tại quán là sự kết hợp hài hòa giữa gu phở Sài Gòn – Hà Nội. Tô phở của quán lôi cuốn thực khách với nước trong, không váng mỡ, thoảng các gia vị quế, hồi, thảo quả... và không hề nồng mùi bò. Để có được tô phở như thế, ngoài các công đoạn nấu nước dùng phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc canh chỉnh thời gian, lửa, nước... thì khi múc cho khách, người bán phải xối nhiều lần nước dùng vào tô sao cho lượng nước ấy đủ để thịt bò không làm đục nước đồng thời giúp tô phở nóng hơn.
Hủ tiếu bò viên gân lạ nhất
Nằm trong con hẻm 145 Nguyễn Thiện Thuật (Q. 3), quán hủ tiếu bò viên Trường Thạnh đã có thâm niên phục vụ thực khách hơn 40 năm nay. Quán trứ danh với món bò viên to, tròn, chia hẳn làm 2 loại là bò viên thường và bò viên gân. Điểm đặc biệt là bò viên được làm bằng tay tại quán. Không chỉ thế, bò viên được làm trong buổi sáng và bán hết trong buổi chiều chứ không để qua ngày nên độ tươi, ngon, vị dai, giòn luôn được đảm bảo. Ngoài vị ngon của bò viên, những cọng mì tròn và dẹt theo kiểu của người Tiều, những miếng cải thảo muối rắc lên trên cũng thú vị không kém.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét