Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Kiên Giang: 8 Lễ hội tiêu biểu thu hút khách du lịch

Kiên Giang là vùng đất đa dạng về địa hình và phong phú về di sản văn hóa. Toàn tỉnh hiện có hơn 360 cơ sở thờ tự, 38 danh thắng - di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng. Hiện nay, toàn tỉnh có 389 lễ hội, trong đó có 235 lễ hội tôn giáo, 91 lễ hội dân gian, 62 lễ hội lịch sử cách mạng và một số lễ hội khác. Đặc biệt có 8 lễ hội tiêu biểu thu hút hàng ngàn du khách ở Kiên Giang.
 1. Lễ hội Nguyễn Trung Trực – TP. Rạch Giá
Nguyễn Trung Trực, vị anh hùng dân tộc mà tên tuổi gắn liền với những chiến công vang dội đã đi vào trang sử hào hùng, đó là: trận đốt cháy tàu Espérance trên vàm Nhật Tảo năm 1861 và lần đầu tiên tiêu diệt đồn lũy đầu não của giặc Pháp ngay tại tỉnh lỵ Rạch Giá vào năm 1868. Nhà thơ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt đã tự hào ca ngợi khí phách anh hùng của Nguyễn Trung Trực “hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”, thể hiện ý chí độc lập tự do của người dân phương Nam nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Ở tỉnh Kiên Giang có khoảng 20 đền thờ Cụ Nguyễn tại thành phố Rạch Giá, xã Mỹ Lâm (huyện Hòn Đất), đình Tà Niên (huyện Châu Thành)…

Lễ hội Nguyễn Trung Trực
 Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, hàng năm, vào ngày 26, 27 và 28 tháng Tám (âm lịch), nhân dân Kiên Giang và đồng bào khắp nơi lại hội tụ về đây tổ chức kỷ niệm ngày hy sinh của Cụ để bày tỏ lòng tri ân, thành kính đối với người con bất khuất, kiên trung của đất nước. Nhiều năm qua, Lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực đã có sức lan toả ngày càng rộng, từ một lễ giỗ bình thường đã được nâng lên thành lễ hội.
Lễ hội gồm hai phần, phần nghi lễ trang trọng và thành kính theo nghi thức cổ truyền như: lễ dâng hương, lễ thượng đài kỳ, lễ tế đàn cả, rước sắc thần; phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi động, hấp dẫn: trò chơi dân gian, đua xuồng, đập nồi, biểu diễn võ thuật, chơi cờ người, thi múa Lân – Sư – Rồng, thả đèn hoa đăng, thi ẩm thực, triển lãm thư pháp, triển lãm ảnh đường phố, giao lưu văn nghệ giữa 03 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer... Mỗi năm số lượng người dân về dự lễ hội ngày càng tăng. Năm 2006 có hơn 500 ngàn, năm 2007 có gần 600 ngàn, năm 2008 có hơn 600 ngàn và năm 2009 có 750 ngàn, năm 2011 có trên 1 triệu lượt người tham dự.
2. Lễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các – Hà Tiên
Đã nhiều năm qua, mỗi dịp Tết Nguyên tiêu, rằm tháng Giêng hàng năm, tại Lăng Mạc Cửu, Hà Tiên lại tổ chức Lễ hội kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh Các. Vào mùa xuân năm Bính Thìn 1736, tại trấn Hà Tiên xưa, Tổng binh đại đô đốc Mạc Thiên Tích, hiệu Sĩ Lân đã cùng 32 danh sĩ tài hoa đương thời lập nên Tao Đàn Chiêu Anh Các. Không chỉ là nơi tập trung sáng tác, đàm luận văn thơ mà còn là nơi đào tạo nhân tài, cổ vũ tinh thần yêu nước, mở mang văn hóa của một trấn xa xôi. Hình thành trong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Hà Tiên xưa, Tao đàn Chiêu Anh Các sản sinh ra một khối lượng văn chương khá đồ sộ, trong đó có tuyệt tác “Hà Tiên Thập vịnh” với hơn 300 bài thơ bằng chữ Nôm. Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: dâng hương tế Trời Đất, thi họa thơ Chiêu Anh Các, thi ứng tác câu đối, thi sáng tác thơ mới, viết thư pháp... Lễ hội trùng với Ngày thơ Việt Nam nên có rất đông những người yêu thơ, văn nghệ sĩ Nam Bộ và du khách về đây dự lễ.
3. Lễ hội Oóc–om–bok – Gò Quao
Lễ hội Oóc–om–bok hay còn gọi là lễ cúng Trăng được tổ chức thống nhất vào đêm 15/10 âm lịch. Các vật cúng trong lễ hội là cốm dẹp, khoai, đậu, dừa… Đồng bào phật tử tập hợp lại xung quanh sân chánh điện, chờ đến khi mặt trăng lên đến đỉnh là mọi người đều khấn vái để tưởng nhớ đến công ơn của mặt trăng. Người Khmer coi mặt trăng như là một vị thần điều tiết mùa màng, đã giúp cho họ có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đặc biệt sôi nổi nhất trong những ngày này là hội đua ghe ngo. Kể từ năm 2007, lễ hội Oóc – om – bok được nâng lên thành Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang đã khẳng định quy mô và chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Ngày hội có nhiều loại hình hoạt động đa dạng, phong phú được chọn lọc; kết hợp tính dân tộc, tính hiện đại, tính cộng đồng và độc đáo tạo ra một không gian đầy ắp hương vị, sắc màu đậm đà và rực rỡ của đồng bào dân tộc Khmer Kiên Giang.
4. Lễ hội giỗ 4 nhà sư liệt sĩ – Châu Thành
Cứ vào ngày 10/6 dương lịch hàng năm, tại Tháp 4 sư, nằm ở xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành các vị sư sãi ở các nơi trong tỉnh tập trung về tiến hành làm lễ cầu siêu cho 4 vị sư người Khmer: Danh Hùng, Danh Hom, Danh Tấp, Danh Hoi. Bốn vị sư đã hy sinh anh dũng trong cuộc biểu tình chống Mỹ và bọn tay sai vào năm 1974 tại Rạch Giá. Cuộc biểu tình đã gây nên tiếng vang lớn làm cho địch  hoang mang và không dám bắt sư sãi đi lính nữa. Tháp 4 sư liệt sĩ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là lễ hội truyền thống cách mạng lớn nhất của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh.
5. Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương – Tân Hiệp
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10-3 âm lịch chính thức trở thành ngày Quốc lễ, ngày hội lớn quy tụ cả cộng đồng các dân tộc Việt Na m. Ở Kiên Giang, hàng năm cứ đến ngày 10/3, hàng chục ngàn người con đang sinh sống, học tập, làm việc ở mảnh đất Kiên Giang và các tỉnh, thành trong khu vực đều hội tụ về Tân Hiệp dâng một nén nhang thành kính lên Quốc Tổ Vua Hùng.


Lễ hội Giổ Tổ Hùng Vương
Đền Hùng quốc tổ huyện Tân Hiệp do người dân ấp Đông Bình tự nguyện đóng góp thành lập từ năm 1957. Đền ban đầu chỉ bằng vật liệu đơn sơ, nơi thờ cúng các vị Vua Hùng và nhớ về đất tổ. Lễ hội diễn ra trong hai ngày 30-31/3 (mùng 9-10/3 ÂL). Phần hội được tổ chức vào ngày 30/3 với các hoạt động văn hóa, văn nghệ và nhiều trò chơi dân gian. Hoạt động diễn ra tưng bừng, náo nhiệt trong khuân viên đền.
Buổi sáng ngày 31/3 nghi lễ tưởng niệm các Vua Hùng được tổ chức trang trọng theo ghi thức hàng năm. Qua các hoạt động trên, nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ trẻ và ý chí đoàn kết tự lực vươn lên xây dựng quê hương Kiên Giang ngày càng giàu đẹp.
6. Lễ hội giỗ đức khai trấn Mạc Cửu – Hà Tiên
Đã trở thành truyền thống hàng năm, Hà Tiên đều tổ chức lễ hội giỗ đức khai trấn Mạc Cửu, là người có công đầu trong việc khai phá nên vùng đất Hà Tiên cách đây đã hơn 300 năm. Vào đầu thế kỷ thứ 18, Mạc Cửu trên đường tha hương lập nghiệp, ông đã đặt chân đến Hà Tiên, còn gọi là Phương Thành, một vùng đất có vị trí thông thương thuận lợi, phong cảnh hữu tình. Ông đã quyết định dừng chân nơi đây bắt đầu cho công cuộc mở đất.
Phần lễ được giữ theo thông lệ với các nghi lễ truyền thống như cúng tiền hiền, hậu hiền, chiêm bái. Tại Đền thờ họ Mạc, mọi người tổ chức lễ thỉnh sắc và dâng hương tại Tượng đài Mạc Cửu. Ngoài ra phần hội được mở rộng với các hoạt động phong phú như: Hội chợ thương mại, biểu diễn võ thuật, biểu diễn lân sư rồng, biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian…
7. Lễ hội Phan Thị Ràng (Chị Sứ) – Hòn Đất
Lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh của AHLLVTND Phan Thị Ràng sẽ diễn ra từ ngày 07 đến ngày 09/01 dương lịch hàng năm tại khu di tích lịch sử Hòn Đất. Phần hội sẽ diễn ra trong hai ngày 07-08/01, với nhiều hoạt động như: chương văn nghệ của các đoàn nghệ thuật, thi tìm hiểu “Lịch sử Hòn Đất Kiên Giang” và “Nữ anh hùng liệt sỹ Phan Thị Ràng”; hội chợ; triển lãm ảnh; chiếu phim phóng sự về Hòn Đất; tọa đàm; các trò chơi dân gian; giải bóng chuyền, giải Việt dã và giải đua bò... Đêm ngày 08/01 là chương trình sân khấu hóa khai mạc lễ hội để phục vụ công chúng trong tỉnh.
Phần lễ dâng hương diễn ra vào sáng ngày 09/01, với màn trống hội khai lễ. Sau đó là sự tham gia của các đoàn đại biểu mang theo mâm ngũ quả, đọc diễn văn chào mừng và ôn lại truyền thống lịch sử của Hòn Đất cùng nữ Anh hùng liệt sỹ Phan Thị Ràng. Kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của AHLLVTND Phan Thị Ràng (9/1/1962-9/1/2012) lần đầu tiên huyện Hòn Đất tổ chức nâng cấp quy mô cấp lễ hội và thu hút đông đảo quần chúng nhân dân trong khu vực về dự.
8. Lễ hội Nghinh Ông – Kiên Hải
Lễ hội Nghinh Ông là một nét đẹp văn hóa của người dân đất đảo Lại Sơn – Kiên Hải được tổ chức long trọng, trang nghiêm hàng năm vào ngày 15 – 16 tháng 10 (âm lịch) để bày tỏ sự tri ân, sự phù trợ của cá Ông và các vị tiền nhân đã có công mở đất. Tập tục thờ cá Ông là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân miền duyên hải. Lễ cúng cá Ông ở Lại Sơn tồn tại hơn 100 năm. Đây cũng là loại hình lễ hội cầu ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn trên biển thuận lợi, là dịp để bà con tổng kết lại những chuyến đi biển trong năm. Phần lễ là lễ cúng thỉnh (cung nghinh) các vị thần. Lễ Nghinh Ông và Chánh tế được tiến hành với sự tham gia đông đảo của tất cả ngư dân trên đảo. Ngoài ra, phần hội còn có các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, đua xuồng chèo, kéo co, thi ẩm thực với các món ăn miền biển, đờn ca tài tử.
  Thế Hạnh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét