Đỉnh Hòn Bà quanh năm vờn mây trắng, ngút ngàn xanh như gọi mời, thách thức chúng tôi chinh phục ngọn núi cao nhất nhì tỉnh Khánh Hòa.
Khu làm việc của bác sĩ Yersin trên đỉnh Hòn Bà - Ảnh: Tiến Thành |
Những cuarơ có tuổi hì hụi đạp từng vòng xe lên những dốc cua cùi chỏ như vọng lại câu nói nổi tiếng của bác sĩ A.Yersin: “… Khi người ta còn trẻ, chẳng có gì là không thể". Vì thế, chúng tôi quyết định khám phá Hòn Bà bằng xe máy vào đúng dịp kỷ niệm 150 năm năm sinh và 70 năm ngày mất của bác sĩ A.Yersin (1-3-1943 - 1-3-2013).
Chặng đường từ Nha Trang tới đỉnh Hòn Bà dài hơn 60km. Chiếc xe mất gần 2 giờ để vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo, cỏ cây um tùm chắn lối dọc đường. Càng lên cao, hơi lạnh phả vào mặt lạnh buốt, dù ngước mắt nhìn lên trời, nắng vẫn gắt. Bù lại, dọc đường đi ai được “no mắt” bởi cảnh sắc hữu tình của một hồ nước cheo leo trên núi cao, những con suối bạc trắng đá ngầm và phong cảnh làng mạc yên bình của huyện Cam Lâm.
Xe lần lượt qua các cao độ 1.200m, 1.300m rồi tới 1.500m, một ngôi nhà màu nâu sậm thấp thoáng trong mây hiện ra trước mắt. Tấm bảng gỗ ghi chú “Đỉnh Hòn Bà - cao độ tuyệt đối 1.578m” làm ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Đây là nơi làm việc của bác sĩ Yersin (còn gọi là ông Năm). Mọi thứ đều giản dị, hoang sơ giữa chốn núi rừng heo hút.
Hai cuarơ dắt bộ xe trên cao độ 1.500m đỉnh Hòn Bà - Ảnh: Tiến Thành |
Một khay đá ươm mầm các loại cây thuốc do ông Yersin chế tác - Ảnh: Tiến Thành |
Cây chè trăm tuổi do ông Yersin trồng năm 1915 bên tảng đá núi - Ảnh: Tiến Thành |
Mặt trước ngôi nhà gỗ nâu sậm là những vườm ươm cây có đủ loại rau cỏ và cây thuốc, đặc biệt góc trái nhà còn có một cây trà trăm tuổi nằm giữa những tảng đá khổng lồ do bác sĩ Yersin trồng năm 1915… Xung quanh, bốn bề là những cánh rừng xanh thẳm mù sương bao phủ.
Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà rộng khoảng 20.000ha. Thống kê có 592 loài thực vật bậc cao, có 43 loài quý hiếm được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam như thông hai lá dẹp, pơmu, hồng quang. Nơi đây đang xây dựng vườn ươm, có hệ thống tưới phun, góp phần nhân giống và bảo tồn các loài cây quý hiếm, tuyển chọn cho vườn sưu tập thực vật quy mô khoảng 70ha.
|
Ngôi nhà hai tầng có diện tích 11,4 x 8,7m của bác sĩ Alexandre Yersin được phục chế năm 2004. Nội thất khá giản đơn. Tầng 1 trưng bày hai chiếc bàn làm việc, hai chiếc tủ chứa những vật dụng thường ngày của bác sĩ Yersin như đồng hồ, radio, máy chụp hình… Tầng 2 chia làm ba buồng, gồm phòng ngủ, phòng khách và khu bàn thờ tưởng niệm. Từ trên bancông tầng 2 có thể thấy dễ dàng toàn cảnh núi rừng, từng đợt mây mù bay lững lờ, thi thoảng sà xuống cả mặt đất.
Ái mộ tài năng và phẩm cách của bác sĩ Yersin, khoảng chục vị khách quốc tế và Việt kiều đã vượt hàng ngàn cây số để thắp nén nhang tưởng nhớ nhà khoa học tận tâm. Họ là những người đang sống tại Pháp có sở thích nguyên cứu, tìm hiểu về những công trình khoa học của bác sĩ Yersin (gọi tắt là hội AFEPS). Ông Nguyễn Trung Lương, chủ tịch hội, cho biết hằng năm đều phối hợp Hội ái mộ Yersin ở Việt Nam tổ chức các chương trình từ thiện giúp đỡ người dân nghèo vùng biển.
“Năm 12 tuổi, tôi từ quê ra Nha Trang nghỉ hè và may mắn được gặp ông Yersin. Ông khuyên tôi nên cố gắng học tập để giúp ích cho xã hội và tôi đã phấn đấu học thành bác sĩ. Tuy không sống ở Việt Nam nhưng tôi giúp đỡ người nghèo như tấm gương của bác sĩ Yersin” - ông Lương tâm sự.
Bà Evelyne Minsen gieo hạt bí trong khu vườn của bác sĩ Yersin - Ảnh: Tiến Thành |
May mắn khác với chúng tôi trong chuyến khám phá đỉnh Hòn Bà lần này là được gặp ông Daniel Minsen (75 tuổi), một người cháu của bác sĩ A.Yersin, vừa cùng vợ trở lại Việt Nam. Ông Daniel tỉ mẩn ghi lại mọi thứ bằng chiếc camera, và cùng vợ chăm chú xem những di ảnh, góp ý với người quản lý để sửa lỗi chính tả hay sửa chú thích từng bức ảnh cho chính xác. Bà Evelyne Minsen còn gieo những hạt đào, hạt bí mang từ Pháp sang trong những mảnh vườn phía trước nhà.
Trước khi trở về Nha Trang, hai ông bà không quên cùng chụp hình lưu niệm và tham quan khu chuồng ngựa - nơi chăn nuôi và thí nghiệm điều chế huyết thanh của bác sĩ Yersin.
Trời về chiều, từ cao độ 1.300m trở lên, sương mù phủ trắng cảnh vật và con đường lên đỉnh Hòn Bà. Xe đi trong màn sương giăng mắc lãng đãng gợi nhớ cảnh sắc ở Sa Pa (Lào Cai) hay một Đà Lạt mộng mơ.
Với chúng tôi, đỉnh Hòn Bà này thật xứng đáng với danh xưng “Đà Lạt của phố biển”. Và hơn hết, không chỉ thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng, bất kỳ người dân và du khách tới Hòn Bà cũng để tưởng nhớ tài năng và đức độ của một nhà khoa học đã cống hiến hết mình cho nghề, cho người, cho cuộc đời.
(TIẾN THÀNH - VĂN KỲ - tuoitre.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét