Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

7 món đặc sản miền Tây mùa nước nổi


Lẩu cá linh bông điên điển, cá bóng dừa hay bông súng mắm kho đều là những món đặc sản miền Tây mùa nước nổi. 

Vùng sông nước miền Tây vốn yên bình trở nên đặc biệt hơn vào mùa nước nổi. Về miền Tây những ngày này, đừng bỏ lỡ những đặc sản làm nên một chuyến đi đáng nhớ.
1. Lẩu cá linh bông điên điển
Khi mưa rả rích trên đồng, lũ bắt đầu dâng, cá từ thượng nguồn sông Mekong xuôi về, lên đồng để đẻ, bắt đầu mùa cá linh. Cá linh lúc này nhỏ chỉ bằng đầu đũa, gọi là cá linh non, thịt ngọt béo. Những con cá tươi roi rói, béo tròn được làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo.
Tùy theo từng vùng mà nước dùng của món lẩu này được nấu bằng nhiều cách khác nhau. Có người ninh xương heo, xương cá để lấy vị ngọt, nhưng cũng có nơi nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa trong vừa có vị ngọt thanh dễ chịu. Bông điên điển vừa mới hái xuống còn tươi rói, đựng đầy trong rổ, cùng với một số loại rau khác, cho vào nồi nước lẩu đang sôi, rồi thưởng thức món ăn dân dã mà đáng nhớ của miền Tây.
1-6_1412680522.jpg
Lẩu cá linh bông điên điển. Ảnh: Thanh Tuyết
2. Chuột đồng nướng lu
Đây là món đặc sản miền Tây không phải du khách nào cũng dám thử. Chuột để nướng lu phải là những chú chuột đã ăn no lúa chín, béo múp míp, được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị trong khoảng 15 phút, sau đó móc từng con vào lu. Vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, khoảng một tiếng sau thì chuột chín vàng. Mở nắp lu, bày chuột ra cùng dưa leo, rau răm, muối ớt. Thịt thơm, mềm và da rất giòn, hương vị đặc trưng miền Tây.
2-6_1412740535.jpg
Món ăn ngon mắt “thách thức” sự can đảm của du khách. Ảnh: Thanh Tuyết
3. Cá bống dừa, cá linh kho tiêu
Mùa nước nổi, cá bống dừa, cá linh bán đầy các chợ để chế biến thành nhiều món, nhưng ngon nhất phải kể đến cá kho tiêu. Cá làm sạch, tẩm ướp gia vị, kho trong tộ hoặc nồi đất, trên lửa liu riu. Món này ăn với cơm trắng, đơn giản mà đậm đà như tình người miền Tây hiếu khách.
3-7-JPG_1412740615.jpg
Món cá linh kho tiêu đầy hấp dẫn. Ảnh: Thanh Tuyết
4. Gỏi sầu đâu cá sặc
Lá non và hoa sầu đâu được rửa sạch trụng qua nước sôi để bớt đắng, sau đó cho ráo nước. Dưa leo thái mỏng, thơm cắt nhỏ vừa ăn, xoài thái mỏng hoặc xắt sợi. Khô cá sặc nướng hoặc chiên xé nhỏ, thịt ba rọi luộc cũng được cắt nhỏ, tất cả nguyên liệu trộn với chút gia vị. Nước chấm là nước mắm me được chế biến đơn giản với nước me dầm đã lọc xác và đun sôi đến sệt, nêm nếm vừa ăn. Khi ăn món này cảm giác lúc đầu là vị đắng thanh kết hợp vị chua của nước chấm, càng nhai kĩ sẽ càng cảm nhận được vị ngọt của món gỏi sầu đâu.
4-5-JPG_1412740789.jpg
Món gỏi đặc trưng miền Tây. Ảnh: Thanh Tuyết
5. Bánh xèo bông điên điển
Bánh được làm từ bột gạo pha với nước cốt dừa cho loãng, thêm chút bột nghệ vào cho bánh được vàng và thơm. Nhân bánh là thịt heo xắt miếng nhỏ, ướp gia vị xào cùng bông điên điển. Bánh xèo bông điên điển có hương vị thơm lừng của bột, nghệ, nước cốt dừa, thịt, tép, bông điên điển, mỡ, hành, tiêu, tỏi và nhiều thứ gia vị khác. Bánh được ăn với các loại rau trong vườn nhà như: đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều, lá mơ...
5-4-JPG_1412740867.jpg
Bánh xèo dân dã với nhân bông điên điển chỉ có vào mùa nước nổi. Ảnh: Tiến Hùng.
6. Cá lăng kho khóm
Cá lăng là loại cá da trơn, sống nơi tầng đáy môi trường nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long, xuất hiện nhiều vào mùa nước nổi. Khóm (trái thơm hay còn gọi là dứa) xắt miếng, xào qua với gia vị rồi bỏ ra đĩa. Cá lăng sau khi sơ chế được kho trên chảo phi hành tỏi, gia vị, sôi vài lần trên lửa liu riu, cho khóm vào, khi cá nứt da là chín. Cá lăng kho khóm thơm ngon, béo, ngọt ăn cùng cơm gạo mới mang đến cảm giác thân quen, gần gũi vùng sông nước.
6-3_1412740908.jpg
Đậm đà cá lăng kho khóm. Ảnh: laodong.
7. Bông súng mắm kho
Bông súng là loài rau đồng, mọc những nơi vùng đất trũng, đọng nước bùn. Khi mùa nước lớn đổ về là lúc bông súng trồi lên theo làn nước. Bông súng nhổ về để nguyên cọng rửa sạch, tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay, để cho ráo nước.
Mắm kho ngon thường là mắm cá linh, cá sặc... Mắm phải nấu nước sôi bỏ vào, lọc bỏ xương, bỏ sả bằm, rồi tép, hến hay cá lóc được bỏ vào đúng lúc khi mắm vừa sôi lại. Mắm kho thơm ngon hòa quyện vị cay của ớt, the của sả, ngọt của tép, giòn của bông súng, tạo nên món ăn đơn giản mà gắn bó với nhịp sống miền Tây.
7-jpeg_1412740945.jpg
Thu hoạch bông súng. Ảnh: Danviet
Thanh Tuyế
t

0 nhận xét:

Đăng nhận xét