Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Bánh Quê Một Thuở

Những con cá, con tôm, hạt gạo, hạt nếp dẽo thơm của thôn quê không chỉ để làm no lòng mà còn trôi dạt vào miền ký ức của bao người về các loại bánh quê thơm thảo. Những loại bánh được làm ra từ hoa trái đồng quê mộc mạc, đơn sơ như bánh lá, bánh chối hấp, bánh khọt… và nhiều loại bánh quê khác thật ngọt ngào để khi đi xa cho ta nhớ về mái lá quê nhà…
banhque2Khi những cơn mưa già trút xuống miền châu thổ cũng là lúc lá mơ xanh đâm chồi và leo lên bất cứ thứ cây gì mà chúng gặp. Đó cũng là lúc các bà nội trợ ở thôn quê chuẩn bị làm món bánh lá. Xin được nói thêm, lá mơ xanh là loại dây leo mọc tự nhiên, lá nhỏ, chiều dài bằng một ngón tay, có mùi gần giống lá mơ lông, nhưng có vị hăn hơn rất nhiều. Lá mơ xanh đem về, xắc nhuyễn, xay chung với bột gạo. Rất lạ là lá mơ xanh chỉ dùng để làm bánh lá và đã nói bánh lá là không thể thiếu cái mùi vị đặc trưng này. Sau khi dằn bột cho ráo thì chỉ việc nắn bột thật mõng vào những chiếc lá dừa nước tươi đã rửa sạch. Để cục bột phía trên đầu chiếc lá và hai ngón tay cái bóp đều hai bên thật nhanh và cứ thế bột dính đều, thật mỏng trên mặt chiếc lá dừa nước.
Chỉ cần hấp khoảng 10 phút sau là bánh chín. Ở quê, trẻ con chờ bánh chín ngay khi vừa chuẩn bị làm. Vì thế, bánh vừa lấy ra có lẽ trẻ con là người đầu tiên được nếm thử. Còn ăn bánh lá đúng cách như người lớn thì phải gở bánh ra bỏ vào dĩa, chan nước cốt dừa béo ngậy, đặc sệt vào là cứ thế mà thưởng thức. Cái mùi của lá, của bột và đặc biệt là cái mùi của lá mơ xanh hòa quyện cùng nước cốt dừa có bỏ thêm một ít hành lá sẽ cho ta nhớ mãi về những buổi xế trưa tuyệt vời như thế!
banhque1Ở miền Tây – nơi những vùng nông thôn hẻo lánh, xa chợ búa, nên người ta hay nghĩ ra cách làm bánh bằng nguyên liệu có sẵn. Chài cá, cất vó được một mớ tép không đủ để làm nhưn bánh xèo cũng không sao, ít thì đổ bánh khọt vậy! Bột bánh khọt cũng chỉ là bột gạo pha với nước cốt dừa hơi loãng với liều lượng thích hợp. Hành lá xắt nhỏ, bỏ vào. Nêm một chút muối đường cho có vị mằn mặn và ngòn ngọt trong bột. Bánh được đổ trong cái khuôn đất, hoặc khuôn bằng gang. Mỗi khuôn có thể đổ được từ 8-12 cái bánh
Khuôn bánh khọt để thật nóng, thoa dầu hay mỡ, đổ bột lần lượt vào các ô nhỏ ở trong rồi bỏ 1 con tép bạc vào từng ô nhỏ ấy. Đậy nắp lại chờ bánh hơi se mặt, rưới thêm lên trên mỗi bánh một lớp nước cốt dừa hoặc một nhúm đậu xanh nấu chín. Thăm chừng bánh chuyển từ màu đục sang trong, rìa bánh rám vàng là bánh đã chín. Dùng chiếc muỗng khượi nhè nhẹ là lấy bánh ra dễ dàng. Bánh lấy ra, để vào dĩa, từng cái bánh mỏng mảnh, tròn nhỏ xinh xinh. Tô điểm thêm trên mặt bánh chỉ là lớp nước dừa sánh đặc màu trắng đục tạo điểm nhấn và ít đậu xanh nổi bật trên màu trắng của bánh làm duyên. Bánh chấm với nước mắm làm chua ngọt dịu dịu, ăn kèm với các loại rau đồng. Bánh khọt của miền Tây dung dị lắm! Cách làm bánh cũng như các thành phần đi kèm rất ư đơn giản. Vậy mà, chính cái chơn chất đó như một nét duyên thầm lại đi sâu vào lòng người, để mà nhớ mãi…
banhqueỞ vùng thôn quê miền Tây, mỗi gia đình dù giàu nghèo gì đều có trong nhà ít nhất một khuôn bánh khọt, một cái xửng hấp, một bàn nạo dừa và còn nhiều dụng cụ khác để làm bánh. Mỗi người phụ nữ ở đây không ít hơn  một lần trong đời từng ngồi trước cối xay bột, chiếc bàn nạo dừa, xửng hấp hay khuôn bánh… để làm ra những món ngon cho người thân của mình. Có cầu kỳ gì cái bánh quê dân dã này. Ai cũng có thể làm được và ăn vào cảm thấy ngon miệng. Chỉ cần bước vào bếp xúc ít lon gạo xay làm bột, bước ra sân hái ít trái dừa, sẵn tay ngắt ít tép hành lá, ít trái ớt, trái chanh… là thành bánh rồi! Chính từ cái nét mộc mạc, giản dị, chân quê ấy đã nuôi lớn khôn biết bao người từ bàn tay của bà của mẹ  – để dù có đi đâu cũng không làm lạc mất đi trong ký ức mình – về bánh quê một thuở!…
Nguồn : Nguyễn Thường

0 nhận xét:

Đăng nhận xét